Tại khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, bác sĩ khám thấy khớp gối trái bệnh nhân sưng nề nhiều, vận động khớp gối trái hạn chế, teo và yếu cơ vùng đùi, cẳng chân trái. Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp gãy xương phức tạp, quá trình phục hồi chức năng sẽ mất nhiều thời gian, bệnh nhân cần phải tuân thủ phác đồ điều trị, tập luyện để việc phục hồi đạt kết quả tốt nhất. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thủ thuật châm cứu, các phương pháp vật lí trị liệu, phục hồi chức năng và các bài tập phù hợp qua từng giai đoạn. Trải qua hơn 3 tháng kiên trì điều trị, tập luyện, hiện tại cơ lực vùng hông, đùi, cẳng chân trái của bệnh nhân phục hồi khá tốt, đã lấy lại hết tầm vận động khớp gối. Bệnh nhân có thể đi lại không cần dùng nạng và sẽ sớm trở lại sinh hoạt, làm việc.
Bác sĩ CKI. Đỗ Thị Thương – Phó Trưởng khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng cho biết: “ Gãy xương do tai nạn giao thông là tình trạng khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Đối với bệnh nhân gãy xương, sau khi phẫu thuật hoặc bó bột, việc bất động, hạn chế một số động tác tại vùng xương gãy là điều cần thiết. Tuy nhiên sau giai đoạn bất động, nếu tập luyện sai phương pháp hoặc tập luyện quá muộn, bệnh nhân có thể gặp phải các tình trạng như cứng khớp, teo cơ, yếu cơ… Vì vậy, bệnh nhân nên đến chuyên khoa Phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị theo đúng phác đồ./.