Thứ năm, 23 Tháng 3 2017 08:23

Phòng và điều trị bệnh Lao

Bệnh lao trước đây được coi là một trong những tứ chứng nan y, nhưng vào ngày 24-3-1882 Rober Koch, bác sĩ người Đức đã tìm ra trực khuẩn gây bệnh lao cho người, mở đầu cho cuộc chiến chống lại căn bệnh đã một thời gây nên đại dịch cho nhân loại. Trải qua hơn một thế kỷ, hiện nay thế giới vẫn đang phải tiếp tục cuộc chiến chống lao đầy khó khăn.

Bệnh lao không phải là bệnh di truyền mà là bệnh lây truyền. Nguồn lây chính của bệnh là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Những người bị lao phổi ho, hắt hơi, khạc đờm vi trùng lao theo nước bọt bắn ra môi trường bên ngoài, người khác hít phải và bị nhiễm vi trùng lao, trong số người bị nhiễm vi trùng lao đó có thể mắc bệnh lao.

Biểu hiện chính là người bệnh thường ho kéo dài hơn 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất; cơ thể gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi “trộm” ban đêm, đau ngực, đôi khi khó thở…

Hiện nay, có 2 phương pháp phát hiện bệnh lao là phương pháp chủ động và phương pháp thụ động, được áp dụng cho cả thầy thuốc và bệnh nhân. Phương pháp chủ động là người thầy thuốc phải đưa các phương tiện như kính hiển vi, máy chụp X. quang, làm xét nghiệm đờm trực tiếp tới người dân ở tận xã, phường, thôn, xóm. Tuy nhiên, phương pháp này hiệu quả không cao do tốn kém cả về kinh phí lẫn nhân lực. Phương pháp thụ động là do người bệnh nghi ngờ bị mắc lao thì chủ động đến các cơ sở y tế để khám. Phương pháp này đạt hiệu quả rất cao, tốn ít kinh phí, ít nhân lực. Vì vậy để công tác phòng chống lao đạt hiệu quả cao, mọi người khi có các biểu hiện nghi lao cần đến ngay các tổ chống lao của các trung tâm y tế huyện, thị, thành hoặc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để được khám phát hiện, điều trị kịp thời.

Về điều trị bệnh: Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian. Thuốc điều trị bệnh lao được cấp miễn phí. Người bệnh không được tự ý bỏ điều trị vì như vậy bệnh không khỏi mà còn sinh ra lao kháng thuốc, điều trị càng khó khăn. Trong quá trình điều trị người bệnh cần thực hiện nguyên tắc đúng - đủ - đều (đúng phác đồ; đủ thuốc, đủ thời gian; đều đặn hàng ngày).

Ảnh minh họa

Các biện pháp phòng chống: Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa các bệnh lao cấp tính. Mọi người khi ho kéo dài hơn 2 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao. Đặc biệt khi bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày. Nhà cửa cần thoáng mát, sạch sẽ. Đối với những người bị tiểu đường, suy dinh dưỡng, người có HIV... rất dễ bị bệnh lao, do đó phải thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm bệnh lao. Đồng thời, cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Cộng đồng cần có quan niệm đúng về bệnh lao, không nên mặc cảm hoặc kỳ thị người mắc bệnh lao để chương trình phòng chống lao ngày càng hiệu quả, tiến tới mục tiêu vì Việt Nam không còn bệnh lao vào năm 2030.

Bs Nguyễn Sơn Triều – Sưu tầm

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA CẨM PHẢ
Giấy phép số 31/GP-STTTT ngày 15/05/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông
Chịu trách nhiệm chính: Ông Vũ Quang Trung - Giám đốc Bệnh viện
Địa chỉ: Số 371 Đường Trần Phú - Phường Cẩm Thành - Tp. Cẩm Phả - QN
Điện Thoại : 0203 3862245 - Fax : 0203 3862357
Email: [email protected]

Top
Tra cứu kết quả online
Đăng ký khám online